Tình yêu.

Đọc được đoạn này trong blog chị Trường Anh thấy thật là tâm đắc, version của mình sẽ là:

Ở Ga nào đó,

Có người lên kẻ xuống

Có người ngồi kế bên bạn

Người mà bạn không cần chờ

(Có điều ngủ ngáy hơi to)

Thật là sau 1 năm nhìn lại, những đổi dời hay tan vỡ, rồi cũng trở thành những điều bình thường, “những chuyện buồn hôm ấy chỉ còn là chuyện cười hôm nay“, thật cảm ơn vì những va vấp, những vụn tan, những điều không thành để mình chóng biết và nhận ra, mình phù hợp với ai và điều gì.

“Và một khi cơn bão qua đi, bạn sẽ không nhớ là mình đã vượt qua nó như thế nào, làm cách nào để bạn có thể sống sót. Thậm chí bạn còn không chắc chắn liệu cơn bão đã thực sự kết thúc hay chưa. Nhưng có một điều chắc chắn. Khi bạn bước ra khỏi cơn bão, bạn sẽ không còn là người cùng một người mà đã bước vào.”

Kafka bên bờ biển

Sau cơn bão, bầu trời sẽ chuyển nắng và có cầu vồng. Và sẽ có người cùng bạn đi qua những ngày “dẫu trời nắng hay trời mưa, giữa trưa hay trời sẩm tối”

“Anh sẽ không đưa em vào trong cái chuỗi thức ăn
Vì hai đứa mình ngang hàng , con đường mình sẽ đi không quyết định bởi mức xăng (Đôi khi cũng khó khăn)
Không muốn tỏ ra ngang tàng nhưng cái gì tới, nó tới cứ mặc nhiên đón chào
Mưa tìm chỗ trú, nắng mặc thêm nón vào.”

– (Vùng đất hứa – Đen Vâu, Hoàng Thuỳ Linh)

Cheers for the brand new journey ahead, waiting for both of us!

Khi đau.

Khi đau, người ta có xu hướng khuếch đại nỗi đau của mình lên, thật nhiều.
Khi đau, người ta có mong muốn để mọi người xung quanh biết về cái đau, có mong muốn được hỏi han, và có mong muốn được ai đó đến thổi phù phù lên nỗi đau đó.

những mong là, nỗi đau sẽ biến mất, sớm thôi.

Cơ mà không phải thế.

Một vết thương trên cơ thể, dù ở kích cỡ to nhỏ đến thế nào, đều cần thời gian để phục hồi. Như cách mình từng ngã trầy chân đến chảy máu khi tập xe đạp, như cách mình đi đường bị va phải, khi thì là chảy máu, khi thì là thâm tím. Mỗi vết thương, hình như đều cần mình để ý đến nó, cần để ý xem nó lành được bao lâu rồi, có cần bôi thêm thuốc mỡ hay ô-xi già không. Rồi chờ đợi. Mình sẽ chờ đợi đến một ngày vết thương lại lành, không còn thấy rướm máu nữa, mình sẽ chờ đợi, đến khi vết thâm đó, vào một ngày biến mất.

Cơ mà có một điều chắc chắn, là vết thương lành, không thể là ngày một ngày hai.

Vết thương, còn có thể để lại sẹo – như một dấu ấn cho một quãng đường, cho một khoảng thời gian, cho một kỷ niệm để mỗi khi nhìn lại vết sẹo, mình biết đã xảy ra những chuyện gì.

Vết thương lòng.

Cũng thế. Cơ chế lành lặn chắc cũng không khác gì những vết thương hở ngoài da. Giống như việc cậu ngã một lần, những lần sau, cậu sẽ luôn cố tránh vết ngã cũ và thật cảnh giác – mình nghĩ, như cách phòng vệ – hay đề kháng của chính mình. Vậy nên tớ nghĩ, có khi cứ va vấp, cứ ngã đau một vài lần, rồi lần sau sẽ quen, sẽ biết mình cần trông đợi điều gì ở phía trước và sẽ học cách chấp nhận những vết thương đó – nhanh hơn và dễ chịu hơn.

Còn những vết thương lòng, lần đầu tiên.

Nó sẽ đau đớn lắm. Nó sẽ hơi khó chịu đựng một tẹo – vì đơn giản là, đã bao giờ mình chịu đâu. Mình không biết cái đau này đã là đau nhất chưa? Mình không biết khi nào cái đau sẽ chạm đỉnh? Mình không biết điều gì sau cái đau này, đến với mình đây?

Nhưng mình hãy chậm lại một chút nhé.

Nếu thấy đau, thì đừng lờ nó đi – như cách mẹ mình vẫn thường động viên, mỗi khi thấy cái răng lung lay, mỗi khi thấy đau bụng đến ngày. Vì cái đau trong tim, không thể cứu chữa theo cách này đâu. Vì cái đau trong tim, cũng không có thuốc chữa.

À, có, thuốc chữa, có khi là thời gian. Có khi còn là một ai đó đến và lấp đẩy vào khoảng trống đó, giúp mình thổi phù phù cái đau, nói thương mình, ôm mình?

Nhưng mà, từ những gì mình đã trải qua, mình nhận thấy là, mình đau, thì mình nên là người nỗ lực chữa lành vết đau của mình nhất. Và thật bình tĩnh.

Mình đau thì mình có quyền nói là đau, nhưng hãy kiên nhẫn với chính mình, mình có thể khóc một tí cho thỏa nỗi lòng, mình có thể nằm lười cả ngày, bất động không làm gì. Mình có quyền được làm thế.

Nhưng rồi, mình hãy cố gắng nhé. Mình hãy nhìn rộng ra một tí nào. Mình hãy hít thở một hơi thật sâu, để chấp nhận và để dần học cách buông bỏ. Vì mình biết mà, có những chuyện, sau cùng, mình không thể cứu vãn nữa, và mình đã hết lòng hết sức rồi – mình chỉ buồn vì mình không cố gắng thôi cơ mà. Giờ mình cố gắng, mà không được nữa, thì mình cần chuyển hướng cố gắng này sang cho những điều khác – mà mình cũng trân trọng không kém, được không?

Những cảm giác nó có thật đến đâu, rồi một ngày nó cũng sẽ dần vơi đi, rồi biến mất. Thứ mình cần mang theo, đâu phải những nặng nề và bức bí, thứ mình cần mang theo để đi tiếp, là những bài học và những sự trân trọng cho một quá khứ với quá đỗi kỷ niệm và tình cảm.

Mình đã luôn là đứa rất thích mê được yêu, được quan tâm. Mình cũng là người thích được quan tâm đến người khác. Vậy giờ, mình hãy thương mình hơn một chút nhé. Dù gì thì, đừng bao giờ ngưng hy vọng – vào những điều thật tốt đẹp và mình vẫn luôn trân quý!

Như bài này nè, hôm qua về với các em (bé), mới thấy đời vẫn thật là yêu điii ❤

 

 

 

 

Khép lại.

Mình luôn có những cảm giác rất kỳ lạ – mà cũng không hẳn là kỳ lạ, vì bản thân mình có thể định nghĩa được cảm giác đó, thậm chí gọi thành tên. Nhưng kỳ lạ với mình, vì mình luôn cố gắng để chấp nhận, luôn cố gắng để nhắc bản thân mình rằng, cảm giác đó chắc chắn là điều đương nhiên, nhưng mình vẫn không làm được… Cảm giác đó, gọi là, sợ-(bị)-lãng-quên.

Viết đến đây, mình nhớ đến ngày sinh nhật tháng 7 vừa rồi, thời điểm mà mình trao lại quyền hạn và trách nhiệm cho những gương mặt mới, thời điểm mà mình chính thức lui về, sau những thăng trầm của gần 3 năm gắn bó. Mình đã nhắn tin cho mẹ, nói rằng mình cũng thấy hụt hẫng lắm. Mẹ mình bảo, cảm xúc đó là điều đương nhiên và mẹ hiểu – giờ là lúc mình cần làm những việc cho bản thân, sau những chuỗi ngày ôm đồm và dành quá nhiều thời gian cho một điều mình coi là quý giá nhất. Mỗi lần nói chuyện với mẹ, mình thường hay tìm cách rút gọn câu chuyện, thường cố gắng phản hồi mẹ thật nhanh, mà không biết, là có những điều mẹ nói, phải một thời gian sau, mình ngẫm lại, mới thấy đáng quý biết thế nào.

Mình biết cảm giác này là điều dễ hiểu, vì mình chưa từng gắn bó hay dành nhiều tình cảm với một nơi nào lâu dài như nơi ấy. Sau khi hoàn tất nhiệm kỳ, thậm chí cho đến bây giờ, là khi mình đã dừng lại được hơn 7 tháng rồi – gần nửa năm rồi – thì mình vẫn chưa bao giờ quên cập nhật thông tin hay chộn rộn mỗi một mùa tuyển mới về – giống như bệnh nghề nghiệp vậy đó.

Mình cũng tự hỏi, mình có thực sự làm được việc trong suốt thời gian giữ vị trí đó hay không? Mình cũng tự hỏi, liệu mình có đưa ra quyết định gì sai lầm, hay khiến nơi ấy kém phát triển và đi xuống hay không? Đằng sau những câu hỏi bỏ ngỏ đấy, luôn là một cảm giác khiến mình thấy sợ. Mình sợ mình không làm được gì cho một nơi mà mình đã dành nhiều thời gian và tâm huyết. Thậm chí, mình sẵn sàng khó chịu và sửng cồ nếu có người nói rằng: “Thực ra, anh thấy em cũng chưa làm được gì nhiều lắm”.  Rốt cuộc, những đánh giá của người khác có quan trọng đến thế không?

Có một ngày nọ, khi nghĩ lại tất cả những gì mình đã có trong suốt nhiệm kỳ. Mình cảm giác, mình yên ổn và bình thản. Vì mình biết rằng, mỗi người có thể có những thang đo khác nhau và với mình, mình hoàn toàn có thể thấy tự hào với những gì mình đã làm, những điều có thể mọi người thấy được và không.

Từ lúc kết thúc đến giờ, mình cũng định bụng viết rất nhiều điều, mình muốn ghi lại quãng thời gian 3 năm dài, đáng nhớ và nhiều sóng gió mình đã đi qua, mình cũng muốn ghi lại những nỗ lực kỳ lạ của mình dành cho nơi ấy. Nhưng mãi đến hôm nay, cuối cùng, mình mới có thể ngồi xuống và viết lại, với một nội dung mà mình cũng không ngờ đến. Đã đến lúc mình khép lại những gì thuộc về quá khứ, để đi tiếp với con đường hiện tại (và biết đâu đó, tin tưởng vào một tương lai (gần hoặc xa) có thể cross the line).

Hôm rồi, mình có hẹn cafe với một người chị mình thân, mình bảo rằng, “Nếu sau này em có tiền ổn định, em cũng sẽ dành một quỹ nhỏ cho nơi ấy”. Viết đến đây, mình cũng thấy thật lòng biết ơn và trân trọng. Mình đã có một quãng thời gian mình được lớn lên với một môi trường lành mạnh và dễ dàng cảm nhận được sự chan hòa và yêu thương. Mình cũng có những người trở thành đặc biệt hơn, cũng có những tình bạn kéo dài. Nhưng mình cũng có những mối quan hệ biến mất, đổ vỡ, đi xuống,… – có một thời gian, mình thấy không cam lòng, nhưng rồi sau cùng, mình nhận ra, lẽ tất nhiên, có người đến ắt có người đi.

Mình có hối hận gì không? – Mình cũng không biết. 

Có nhiều điều, mình không rõ liệu làm lại có tốt hơn không. Có những thứ, mình không biết lựa chọn khác đi, liệu có khiến mọi chuyện rẽ ngang sang hướng khác tốt hơn, hay không?

Mình không biết mình có hối hận hay không, nhưng nếu mình dành thời gian để tiếp tục suy nghĩ, thì chắc chắn là phung phí thời gian lắm. Đến và đi đều là cái duyên và chưa bao giờ mình tin vào câu: “Everything happens for a reason” nhiều, như bây giờ.

Thôi thì, hãy cố gắng, nhẹ nhàng và từng ngày, khép lại một chương cũ.

Cảm ơn mình, vì đã hết lòng.

 

 

 

 

 

Bình tĩnh sống, cứ bình tĩnh sống

26 Tết.

Hôm nay mình đã trở về nhà, chính thức bắt đầu kỳ nghỉ Tết có lẽ là vô lo – vô nghĩ cuối cùng của cuộc đời mình rồi đây.

Lúc ở một mình, trong đầu mình nghĩ đến câu title mình đặt, “Bình tĩnh sống, cứ bình tĩnh sống”. Mấy nay ở Hà Nội, chiều chiều mình cũng ra đường, sắm sửa cái này cái kia, đường phố những ngày giáp Tết đông đúc và nhộn nhạo – điều mà khiến mình cũng tự hỏi vì sao mọi người lại phải phóng nhanh, phải vội vàng như vậy khi Tết đến?

Những ngày đầu tiên ở tuổi mới, mình đã đối diện với rất nhiều những cuộc khủng hoảng – to nhỏ đều có và chúng xuất hiện đều đặn đến mức, mình từng mơ, từng khóc, từng hốt hoảng và hoảng sợ. Cái đáng sợ và bào mòn mình nhất, chính là cảm giác sau những cơn khủng hoảng đó – cảm thấy bản thân không đủ và tự ti một cách bất lực.

21 tuổi – bước sang tuổi 22, mình đối diện với cái gọi là “Peer Pressure”, thứ mà mình tưởng mình đã vượt qua sau những năm tháng bản thân tự vỗ ngực tự hào là đi nhanh hơn người khác. Áp lực lần này nhiều đến mức nhấn chìm mình trong những ngày tháng mình tìm cách trốn chạy và hạn chế đối diện với áp lực nhất có thể. Mình áp lực ở nhiều điều cực, nhiều đến mức bản thân thấy chán chường và tệ hại. Mình thấy mình không xinh như bạn A, không hấp dẫn như bạn B, hay đang đi chậm hơn bạn X. Cảm giác luôn so sánh mình với bất cứ một ai, hay lấy giá trị của mình đi so với của người khác chưa bao giờ dễ dàng hết. Giờ thì mình nghĩ, cội nguồn từ việc mình luôn cố gắng so sánh xuất phát từ những năm tháng đầu đời đi học – khi mình luôn phải chứng tỏ mình giỏi hơn, xuất sắc hơn các bạn – và lấy đó làm niềm tự hào; đến mức khi mình không đạt được điều gì, thì đó sẽ là sự uất giận và trách móc bản thân.

Cho đến giờ, sự so sánh không chỉ còn trong những con điểm hay định hướng tương lai, nó còn kéo dài và rộng hơn ở nhiều khía cạnh – khi là ở ngoại hình, khi là ở tính cách, khi là ở trong một mối quan hệ, v.v… Có một bộ phim mình rất thích là “Finding Nemo” – trong phim có một câu mà mình rất tâm đắc:

“…Cứ bình tĩnh bơi 
Bình tĩnh bơi…”

Suốt một khoảng thời gian rất dài vừa qua, mình đã luôn cố gắng trở thành một phiên bản rất khác của mình, chạy theo hình mẫu mà người khác áp lên mình và nghĩ thế là hay. Khi có càng nhiều sự ghen tị, thì mình chỉ mải chạy theo người ta và dần mất đi những điều tốt đẹp mà mình đang có.

Mình đã từng tự tin vào bản thân đó chứ, rất nhiều là đằng khác. Và thực tế, trong mình luôn tin mình xứng đáng, luôn tin là mình luôn cố gắng sống thật tốt, lương thiện và có ích.

Những ngày cuối năm, hãy cứ suy nghĩ, tích cực cũng được mà tiêu cực cũng không sao hết – để mình sẽ bắt đầu năm mới, với sự lạc quan và tích cực – như mình vốn dĩ. Và nhớ là, so sánh thì nên thi thoảng, chứ không nên là mọi lúc, mọi nơi – tin vào mình.

 

Protected: Let it be.

This content is password protected. To view it please enter your password below:

Mùa thu đi qua

Trong sự cao hứng hơi quá đà của cốc cafe cốt dừa và không gian tuyệt vời chẳng thể chê trách gì ở Tiny với nhạc hay và ánh đèn vàng yêu thích, thì mình nghĩ mình phải viết gì đó cho mùa thu (sắp) đi qua.

Hôm nay đi đường mình mới nhận ra là mình thích rong ruổi. Mình rất thích những sự ngẫu hứng như việc thay vì tan làm đi về trên con đường Văn Cao rồi thẳng tiến Nguyễn Chí Thanh và về nhà, mình có thể lại đi thẳng hướng Thụy Khuê và làm một vòng quanh Hồ Tây rồi mới về nhà. Mùa thu của mình, lúc nào cũng đẹp, cái đẹp dễ chịu vì thời tiết đủ thích để mình thấy vui vẻ khi đi đường.

Dạo này cứ đi trên con đường có thoang thoảng mùi hoa sữa, là mình sẽ cố gắng giảm tốc độ, mở khẩu trang ra một xíu và hít hà cho đủ thì thôi. Mình đặc biệt thích hoa sữa đầu mùa, vì nó nhẹ nhàng và không làm mình cảm thấy đau đầu. Mùi hoa sữa cũng gợi cho mình rất nhiều thứ, vì trước sân nhà mình cũng có một cây hoa sữa mà mỗi buổi tối ngày xưa, khi đi học thêm đợi bố mở cửa, mình sẽ đứng và cố gắng thu hết mùi vào mũi của mình vậy đó.
Hà Nội có những mùi rất lạ mà quen. Hồi tối lúc mình đi đường Nguyễn Chí Thanh, mình cảm thấy hình như cảm giác của mình về Hà Nội bây giờ vẫn chẳng khác gì lắm cảm giác của mình về nơi này cách đây vài năm về trước – khi mỗi lần được ra Hà Nội vừa là giấc mơ vừa là niềm vui. À hóa ra mình vẫn mang tình yêu với Hà Nội. Hoặc mình mang tình yêu với những con người mình gặp ở Hà Nội.

Tự nhiên lúc nghĩ về cảm giác, mình chợt cảm thấy yên bình. Giống y cảm giác như mình đang ở nhà mình vậy.

Mùa thu đẹp nhỉ. Mình chắc không yêu Hà Nội được cả bốn mùa, nhưng mùa thu Hà Nội thì thật khó để khước từ.

Với mình, mùa thu của mình sẽ là tận hưởng bài hát này, một cách bình yên.